TÂM ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI

Tâm điểm của Giáo Hội, nếu tôi hiểu không lầm, không phải là Vatican hay giáo chủ, nhưng là một phụ nữ. Một trong những thành tựu lớn nhất của thần học thế kỷ20 là tái khám phá ra mẹ Maria như là “hình ảnh cội nguồn của Giáo Hội”. Đặc biệt nhờ thi sĩ Paul Claudel* mà việc tôn sùng Mẹ gần như bị quên lãng đã thật sự trổi dậy.Paul Claudel cho hay, khám phá của ông về Mẹ gắn liền với một kinh nghiệm trong một thánh lễ chiều tối Giáng sinh năm 1886 tại Paris. Ông không háo hức lắm khi dự thánh lễ trong nhà thờ đức Bà hôm đó, nhưng, lúc hát bài ca Magnificat, ông bỗng như bị chấn động bởi một tiếng nổ dữ dội. Biến cố đó giúp ông hiểu rằng tất cả những gì Maria nói đều có giá trị cho Giáo Hội. Và ngược lại Giáo Hội nhìn thấy qua Mẹ hình ảnh cội nguồn toàn hảo của mình. Ông cho hay, bản chất của Giáo Hội được cụ thể hoá trong đức Maria, vì qua ngài ta thấy được nguyên tắc công giáo về tầm quan trọng của sự cộng tác con người vào ơn cứu độ. “Mẹ Thiên Chúa”, ông nói, “và Giáo Hội thánh, đối với tôi, là một. Tôi chưa bao giờ học cách phân biệt hai thực thể đó”.

Việc đồng hoá Giáo Hội với một phụ nữ bắt nguồn sâu xa nơi Cựu Ước, khi Is-ra-en tự coi mình là vị hôn thê mà Chúa muốn tin cậy và phó thác trong tình yêu đời đời. Trong tinh thần nối tiếp cuộc sống của Cựu Ước, Giáo Hội đã lấy lại hình ảnh đó. Ngay Phao-lô cũng gọi Giê-ru-sa-lem là mẹ chúng ta. Với lối gọi đó, ngài khám phá ra từ truyền thống do-thái hình ảnh Giáo Hội mẹ; thành phố mẹ này đã sinh ra ta, trao tặng cho ta sự sống và tự do. Và các giáo phụ, vì thế, đã lấy lại ý tưởng đó, một ý tưởng cũng đã xuất hiện trong sách Khải-huyền – một người nữ bận áo mặt trời – và dùng nó để trình bày bản chất rất thánh của Giáo Hội. Dù các ngài lúc đó thường chẳng nghĩ gì tới Maria, nhưng trên căn bản, toàn bộ môn Maria học cũng đã bao gồm yếu tố này. Nói cách khác: Giáo Hội được cụ thể hoá trong Maria. Và những gì mang ý nghĩa thần học nơi Maria đều được diễn tả nơi Giáo Hội. Có thể nói, cả hai hoà nhập vào nhau : Maria là Giáo Hội bằng xương thịt, và Giáo Hội trong tổng thể của mình là thân xác sẵn đó của Maria. Như vậy, qua biến cố trở lại trên, Claudel đã thật sự tái trực giác cái hình ảnh uyên nguyên và nhìn ra mối gắn bó khắng khít giữa Maria học và Giáo Hội học.

Trong thế kỷchúng ta, Hugo Rahner*, anh của Karl Rahner*, chuyên gia lớn về các giáo phụ, đã trình bày một cách tuyệt vời toàn bộ bản văn của các ngài, và đã chỉ ra rằng, chỗ nào các giáo phụ đề cập tới Giáo Hội như một phụ nữ, chỗ ấy đồng thời xuất hiện Maria – và nhờ vậy đã tránh được việc bó hẹp môn Maria học. Các chuyên gia khác đang tiếp tục nghiên cứu điểm này. Công đồng Vatican II đã lấy lại quan điểm trên qua việc nối kết Maria học vào Giáo Hội học.

Tôi nghĩ, trên thực tế, việc tái khám phá ra mối liên hệ vượt thời gian giữa Maria và Giáo Hội, việc khám phá ra tính cách con người của Giáo Hội trong Maria và tính cách Maria chung nơi Giáo Hội, là những phát hiện lớn nhất của thần học trong thế kỷ20.

Có một giáo chủ ghi nhận : “Ai để tâm quan sát lịch sử Giáo Hội công giáo, sẽ thấy ngay bàn tay độ trì của Mẹ đồng trinh Thiên Chúa hiện diện trong mọi biến cố quan trọng của Giáo Hội. Mỗi khi đó đây lầm lạc nổi lên tấn công sự thống nhất mỏng manh của Giáo Hội và đẩy nó vào cuồng phong, thì các giáo phụ chúng ta lại tin tưởng hướng về Mẹ, là người duy nhất chiến thắng mọi lầm lạc trên thế gian ; và chiến thắng do Mẹ mang tới đó đã đưa Giáo Hội bước vào những thời kì tốt đẹp hơn”. Nghe tuyệt quá nhỉ.

Người ta đã thi vị hoá. Đó là lối nói của người xưa: Đức Bà chiến thắng mọi tà giáo; một công thức xuất hiện trong thời có những tranh cãi về bản tính Đức Ki-tô. Thời đó, người ta chạy tới Maria để cứu nhân tính nơi  Đức Giê-su, nhưng mặt khác, cũng là để cứu thiên tính của Ngài, khi người ta cãi nhau về phẩm giá của Maria. Nhờ cuộc tranh luận về Maria mà mầu nhiệm đồng bản tính thiên chúa và loài người nơi  Đức Giê-su Ki-tô được sáng tỏ. Từ đó nẩy ra lời cầu đức Bà chiến thắng mọi tà giáo, và lời đó trong nhiều thời kì đã thực sự trở thành một câu tuyên chiến. Tôi nghĩ, ta nên nhìn đức Maria như là người ủi an, che chở, và dĩ nhiên như là cây cầu đưa ta tới Chúa Ki-tô. Mẹ không lấy đi vương trượng của Đức Ki-tô hay cản ngăn ta sùng mộ Ngài. Mà trái lại, nhờ Mẹ mà ta mới hiểu được mầu nhiệm to lớn về Đức Ki-tô và mới được ở gần Con ngài.